Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2023 chỉ có mặt hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương, đạt giá trị 300 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2023 ước đạt 3,72 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 1,76 tỷ USD, giảm 12,7%. Đáng chú ý là thủy sản đạt 600 triệu USD, giảm 30,9% với các mặt hàng giảm mạnh là cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%; lâm sản chính đạt 1,19 tỷ USD, giảm 30%.
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam đều ghi nhận sự sụt giảm trong tháng 1/2023. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 24,3%, giảm 32,8%; Trung Quốc chiếm 19,4% (giảm 4%) và Nhật Bản chiếm 8% (giảm 13,2%) so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân được chỉ ra một phần là do tháng 1/2023 trùng vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Tuy nhiên, trước những biến động thị trường trong nước và thế giới với giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng; lạm phát tăng cao ở một số quốc gia ảnh hưởng lớn đến sức mua; biến đổi khí hậu ngày một rõ nét trên toàn cầu cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn…, thì việc nhận diện thị trường trọng điểm và tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản những tháng tới là hết sức cần thiết.
Với thị trường Mỹ – thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam – cần tiếp tục chú ý các sản phẩm được dự báo nhu cầu tăng cao như: Các sản phẩm gỗ, hạt tiêu, cà-phê, các loại trái cây chế biến… Đối với thị trường Trung Quốc, cánh cửa đang mở rộng cho trái cây và thủy sản. Minh chứng là sự tăng trưởng về xuất khẩu của mặt hàng rau quả ngay trong tháng 1/2023 khi Trung Quốc mở cửa biên giới sau thời gian dài hạn chế giao thương do dịch Covid-19.
Thủy sản cũng là mặt hàng dự báo có tốc độ tăng trưởng kim ngạch mạnh tại thị trường Trung Quốc trong năm 2023, nhất là cá tra và tôm. Một khu vực thị trường có giá trị kinh tế cao và giàu tiềm năng phải kể đến nữa là châu Âu, nhất là trong điều kiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã và đang mang lại lợi thế rõ nét cho các ngành hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, ở cả ba thị trường, khu vực thị trường trọng điểm xuất khẩu này đều có điểm chung là yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao và các rào cản thương mại được dựng lên ngày càng nhiều.
Thị trường Mỹ vẫn tiếp tục có nguy cơ gia tăng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt Nam; đồng thời ban hành các quy định thực thi chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP). Thị trường Trung Quốc thay đổi, siết chặt hơn các chính sách, quy định đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và ban hành mới các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu…
Trong khi đó, khu vực thị trường châu Âu đưa ra nhiều tiêu chí sản phẩm liên quan đến bảo vệ môi trường, sức khỏe, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh…
Chính vì vậy, song song với nỗ lực mở cửa thị trường cho nhiều loại hàng hóa nông sản thì việc bảo đảm sản lượng, chất lượng ổn định; hiểu và thực hiện đúng quy định của từng thị trường, khu vực thị trường là mấu chốt quan trọng để các ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023.